6 hiểu lầm cản trở bạn đạt thành tích cao trong công việc môi giới # Phần 1
“Dù bạn nghĩ là mình có thể hay không thể thì bạn vẫn cứ đúng”.
– Henry Ford
1/ Hiểu lầm: Tôi không thể làm được.
Sự thật: Nếu chưa cố gắng, thì bạn không thể biết là bạn có thể hay không thể làm được.
2/ Hiểu lầm: Việc đó không thể thực hiện được ở thị trường của tôi.
Sự thật: Có thể làm được, nhưng bạn cần có cách tiếp cận mới.
3/ Hiểu lầm: Sẽ mất quá nhiều thời gian và sức lực – Tôi sẽ không còn tự do.
Sự thật: Thời gian và sức lực không phải là yếu tố cốt yếu quyết định thành công.
4/ Hiểu lầm: Mạo hiểm quá. Tôi sẽ mất tiền.
Sự thật: Mạo hiểm có mối tương quan trực tiếp tới khả năng kiểm soát những chi phí tăng thêm dẫn đến các kết quả tốt hơn cho bạn.
Sự thật: Khách hàng của bạn không trung thành với bạn, họ trung thành với những tiêu chuẩn mà bạn đại diện.
6/ Hiểu lầm: Có mục tiêu mà không thực hiện đến cùng thì không bao giờ thành công.
Sự thật: Có mục tiêu mà không nỗ lực đạt được thì không bao giờ thành công.
Qua nhiều năm, tôi đã tin vào sự thông thái của TS. Karl Menninger, người đã chỉ ra rằng:
“Nỗi sợ hãi được gieo cấy vào mỗi người, và nếu muốn, ta có thể nhổ bỏ nó”.
Các mô hình của Triệu phú môi giới bất động sản được trình bày chứa đựng những nguyên tắc cơ bản mà chúng tôi tin là có tầm quan trọng thiết yếu đối với thành công ở cấp độ cao của các nhà môi giới bất động sản. Chúng gồm những hoạt động chủ yếu cần phải được thực hiện thành công và nhất quán nếu muốn đạt được thành tích cao về doanh số.
Nhưng trước khi bàn về các khái niệm này, tôi cho là bạn cần xem lại một số niềm tin cốt lõi của bạn về thành công. Chúng có thật sự đúng đắn không và có thể ảnh hưởng như thế nào đến cơ hội thành công của bạn. Tốt nhất những niềm tin của bạn có thể làm cho bạn rất tự tin và Xấu nhất là khi chúng khiến bạn nặng trĩu nghi ngờ. Nếu tôi đã học được điều gì, thì đó là nếu để cho sự nghi ngờ tồn tại có thể làm xói mòn sự tự tin, phương hại đến hành động, và cuối cùng hủy hoại giấc mơ của bạn.
Tôi đã nhận ra rằng, chúng ta có khuynh hướng hành động dựa trên những gì mà mình tin là thật. Không may là, điều mà chúng ta tin là thật, có thể, trên thực tế, lại là không thật.
Khi niềm tin dựa trên điều có thật, chứ không phải điều không thật, thì hành động của chúng ta có cơ sở và có rất nhiều khả năng đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên, niềm tin dựa trên những điều không thật lại có khuynh hướng dẫn đến những nỗi sợ hãi vô căn cứ và một cuộc đời đầy giới hạn.
Những cuốn sách lịch sử mà chúng ta đã đọc đều chứa đầy ví dụ về những điều sai lầm dẫn đến nỗi sợ hãi kìm hãm chúng ta. Galileo bị giam cầm vì dám chứng minh rằng mặt trời (chứ không phải Trái đất) là trung tâm của thái dương hệ. Và điều người ta hằng tin là Trái đất phẳng, đã kìm hãm việc phát hiện ra Tân thế giới trong bao lâu? Galileo và Columbus chỉ là hai ví dụ điển hình chứng minh rằng những sai lầm có thể kìm hãm chúng ta trong khi sự thật có thể giải phóng chúng ta.
Chương này nói về nỗi sợ hãi. Và nguồn gốc của hầu hết mọi nỗi sợ hãi đều sai lầm. Tôi thấy thật sự hữu ích khi nghĩ về nỗi sợ hãi, là cái gì thường tạo nên chúng – đó là sai lầm; và cái gì giúp chúng ta thoát khỏi chúng – đó là sự thật. Chương này nói về việc học cách vượt qua nỗi sợ hãi của bạn để nhận biết sự thật về một tình huống cụ thể, nghiên cứu sai lầm và tránh để những Hiểu lầm kìm hãm chúng ta.
Trong quá trình làm việc với các môi giới bất động sản, chúng tôi tìm ra sáu sai lầm phổ biến có xu hướng ngăn cản thành công. Vì vậy, để tạo cơ sở cho việc phát huy tối đa năng lực của bạn, chúng tôi cho rằng bạn cần dừng lại, suy ngẫm kỹ hơn và thậm chí đương đầu với những gì có thể là những Hiểu lầm của bạn.
Hiểu lầm #1: Tôi Không Thể Làm Được
Sự Thật: Nếu Chưa Cố Gắng, Thì Bạn Không Thể Biết Là Bạn Có Thể Hay Không Thể Làm Được
Chính xác thì tiềm năng cuối cùng của bạn là gì? Những điểm hạn chế của bạn là gì? Bạn có nhận thấy rằng bất kỳ khi nào bạn nói: “Tôi không thể làm được” là bạn đang áp đặt giới hạn cho khả năng của mình không? Nếu suy nghĩ kỹ bạn có nghĩ làm như vậy là khôn ngoan hay công bằng với bản thân không? Để tôi chia sẻ với bạn cuộc đối thoại thú vị giữa tôi và một sinh viên của tôi:
SINH VIÊN: Gary, thầy có nghĩ là việc nói với tất cả chúng em về việc đạt được những cấp độ thành công như vậy là có tính thực tế không? Với em thì chúng có vẻ không được thực tế.
TÔI: Đó là một câu hỏi thẳng thắn. Em có phiền nếu thầy hỏi em một câu trước khi trả lời em không?
SINH VIÊN: Thầy cứ hỏi ạ.
TÔI: Tiềm năng cuối cùng của em là gì?
SINH VIÊN: Gì cơ ạ? Em không hiểu thầy nói gì.
TÔI: Những điểm hạn chế của em là gì? Em có khả năng đạt được điều gì? Mức trần của em là gì? Nói cách khác, em có biết tiềm năng cuối cùng của em là gì không?
SINH VIÊN: Hmm. Em chưa bao giờ thật sự nghĩ về điều đó cả.Em nghĩ là em không biết
TÔI: Đó là câu trả lời chân thật, và thầy đánh giá cao điều đó. Và đây là điểm mấu chốt: Chẳng ai biết cả. Và nếu em không biết tiềm năng cuối cùng của mình làm sao em có thể xét đoán điều gì là có tính gì, thì làm sao thực tế? Nói thật, có ích gì không khi bàn về việc cái gì có tính thực tế khi mà, thậm chí, cuối cùng chúng ta cũng không biết mình thật sự có khả năng đạt được điều gì?
Nếu bạn không biết rõ khả năng và giới hạn của mình thì tại sao bạn lại để kiểu đối thoại nội tâm này diễn ra! Trừ khi có phép màu còn không thì bạn sẽ không bao giờ biết được đâu là giới hạn cho tiềm năng của mình. Vì thế câu hỏi rằng liệu bạn có thể hay không thể làm một việc gì đó vào một ngày nào đó, có lẽ sẽ không bao giờ nên được xét đến.
Cuộc đối thoại của chúng tôi còn tiếp tục, nhưng là với cả lớp. Đây là phần còn lại:
TÔI: Giả sử thầy thật sự tin rằng “cần phải thực tế về tiềm năng của các em”. Các em liệu có muốn cho con em mình đến học thầy để thầy dạy cho học thuyết đó không?
LỚP HỌC: Không!
TÔI: Không, thật vậy. Thầy sẽ nhận bọn trẻ ở tuổi của các em, bảo chúng ngồi xuống và nói: “Cha mẹ các em thuê thầy dạy cho các em về những hạn chế của mình. Các em sẽ không trở thành những người như các em hi vọng. Các em có những hạn chế của mình và không cần phải mơ tưởng những điều lớn lao vì như vậy đơn giản là không thực tế”. Bây giờ, nếu đó là những gì thầy sẽ dạy con các em, các em có để thầy được tự do dạy chúng không?
LỚP HỌC: Không!
TÔI: Vậy thì được rồi. Hãy tự nghĩ lại xem. Nếu các em không định nói với một đứa trẻ theo cách đó, vậy thì tại sao lại nói với bản thân mình lại như vậy? Các em không cần phải để cho kiểu tự thoại vô bổ đó thâm nhập vào đầu óc mình. Vậy các em định sẽ nghĩ đến những điều lớn lao hay những thứ nhỏ nhặt? Các em sẽ nghĩ tới những giới hạn hay cho là không có giới hạn nào hết?
Thật thú vị phải không? Rõ ràng, là những bậc phụ huynh yêu thương con cái, chúng ta không bao giờ muốn con em mình bị ám ảnh bởi những điểm hạn chế của chúng. Chúng ta muốn cổ vũ chúng. Chúng ta muốn nuôi dưỡng lòng tự tin của chúng và khen thưởng chúng vì những nỗ lực chứ không phải vì kết quả. Bởi vậy, hãy nhắc nhớ con em bạn, và cả bản thân bạn nữa, đừng bao giờ đối thoại nội tâm và tự làm nhụt chí mình như thế. Theo ý kiến của tôi, kiểu tự thoại tiêu cực này vừa vô nghĩa lại vừa vô bổ. Và đây là một sự thật còn lớn hơn thế mà những người đạt thành tích cao đã nhận ra từ lâu: Một khi bạn cố gắng và đạt được một điều gì đó mà mình đã từng nghĩ là không thể đạt được, bạn sẽ “nhìn nhận những thứ không thể” ngày càng dễ dàng hơn và cuối cùng sẽ đạt được chúng.
“Tôi không có kỹ năng về con người, không có kỹ năng bán hàng, và không có kinh nghiệm kinh doanh, nhưng tôi quyết tâm đạt được điều đó”.
– Valerie Fitzgerald là một Triệu phú môi giới bất động sản
Los Angeles, CA (Doanh số bán hàng – 60 triệu đô la)
Bạn có nhớ tiêu chuẩn bốn phút một dặm không? Tiêu chuẩn đó được xem là không thể phá vỡ. Các nhà bình luận thể thao và chuyên gia, tất thảy đều cho rằng nó nằm ngoài khả năng của con người. Một trong những vận động viên chạy đua cự ly một dặm vĩ đại nhất của thời đại đó, John Landy người Úc, đã không biết bao lần nỗ lực vượt bậc hòng phá vỡ rào cản bốn phút một dặm nhưng đều thất bại. Những nỗ lực của anh củng cố cho niềm tin sai lầm của rất nhiều người trong thời đại ấy, và mọi cố gắng phá vỡ rào cản này đều không thành công trong suốt chín năm. Rồi đến ngày một sinh viên y khoa người Anh, Roger Bannister, quyết định rằng bản thân có thể phá vỡ kỷ lục và bắt đầu tập luyện.
Anh cân nhắc và chia mục tiêu của mình ra thành từng phần nhỏ có thể giải quyết được -1/4 dặm chạy trong chưa đến một phút.
Mỗi ngày, trong thời gian 30 phút nghỉ ăn trưa ở Oxford, Bannister tập chạy 10 lần liên tiếp, mỗi lần 1/4 dặm trong 59 giây với hai phút nghỉ giữa mỗi lần chạy. Liên tục đạt 1/4 mục tiêu của mình, một Roger Bannister chiến thắng đã chạy “dặm huyền thoại” trong 3 phút 59,4 giây.
(*) Tiêu chuẩn bốn phút một dặm (four minute mile). Một tiêu chuẩn trong môn thể thao chạy cự ly trong đó vận động viên sẽ hoàn thành việc chạy một dặm (khoảng 1,61 km) trong vòng dưới bốn phút.
“Dặm huyền thoại” của Roger Bannister được sử dụng rộng rãi để minh họa cho sức mạnh của thái độ tích cực, của niềm tin vào những điều có thể. Điều thường hay bị lãng quên là câu chuyện phụ về sức mạnh tương đương, nhưng mang lại kết quả trái ngược, của sai lầm. John Landy, người từng nổi tiếng vì cố gắng chinh phục tiêu chuẩn bốn phút một dặm trong nhiều năm, đã tiếp tục phá vỡ kỷ lục mới của Bannister trong chưa đầy hai tháng. Hai tháng. Điều này dường như không đơn giản là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Điều đã kìm hãm Landy chính là một niềm tin sai lầm, rằng không ai có thể phá vỡ rào cản bốn phút một dặm. Bannister phá vỡ kỷ lục và, bằng cách này, đã lật đổ bức tường tâm lý mà đã ngăn không cho Landy đi tới thành công.
Dù bạn có đang ở trong hoàn cảnh nào, khi bắt đầu hành trình phấn đấu để đạt một mục tiêu nào đó, hãy luôn bắt đầu với niềm tin rằng mình có thể làm được. Những môi giới bất động sản thành công đều hiểu rõ ý nghĩ “tôi không thể làm được điều đó” có thể làm nản lòng đến mức nào. Họ hiểu rằng bước đầu tiên để khám phá ra tiềm năng của họ là cố gắng. Bạn sẽ không thể biết được mình thật sự có khả năng làm gì cho đến khi bạn cố gắng và không bao giờ ngừng cố gắng. Trên thực tế, nhiều người đã từng. Bởi họ tin rằng điều tồi tệ nhất trên đời không phải là thất bại mà là không chịu cố gắng chút nào. Thực tế đã cho thấy có nhiều người trong số những người thất bại khi ngừng cố gắng đã không hề biết là họ đang đến gần tới thành công đến mức nào.
Thật khôi hài, nhưng có lần có người đã chỉ ra cho tôi thấy rằng “tiềm năng cuối cùng” là một phạm trù không có đích. Tôi đã phải suy nghĩ về điều này một thời gian mới nhận ra đó là sự thật. Chúng ta không bao giờ có thể đạt tới tiềm năng cuối cùng của mình. Không có đích, không có điểm kết thúc. Vì vậy trọng tâm của bạn phải được đặt vào hành trình liên tục theo đuổi. Việc tối đa hóa tiềm năng của bạn, đơn giản là việc cố gắng, cố gắng và không bao giờ ngừng cố gắng.
“Trước đây, tôi thật sự không có khả năng quản lý. Tôi là người làm công và là người làm vừa lòng khách hàng. Tôi gặp khó khăn với vấn đề giao việc, nhưng tôi biết mình có thể làm được. Tôi phải để mọi việc diễn ra tự nhiên – chỉ cần nói cho mọi người biết phải làm gì và tại sao”.
– Barbara Wilson một Triệu phú môi giới bất động sản
Medina, OH (Doanh số bán hàng – 57,3 triệu đô la)
Trích: Triệu phú môi giới bất động sản
– Gary Keller cùng Dave Jenks và Jay Papasan