Phương thức lãnh đạo đúng đắn
Việc lãnh đạo có hai phần: Xác định tầm nhìn phương hướng và thực hiện
Lãnh đạo cấp cao là người xác định phương hướng và tầm nhìn cho tổ chức, tuy nhiên bất cứ ai ở những vị trí có tầm ảnh hưởng đến người khác đều có thể được gọi là lãnh đạo
Có hai kiểu lãnh đạo: lãnh đạo – chiếm hữu là những người vị kỷ, chỉ phục vụ chính mình; còn lãnh đạo – cống hiến hay lãnh đạo – vị nhân là người phục vụ cộng đồng.
Nhà lãnh đạo – vị nhân nhận trách nhiệm phát triển một tầm nhìn chiến lược; sau đó thực hiện bằng cách lật ngược kim tự tháp và di chuyển xuống dưới với cương vị là người cổ vũ, hỗ trợ và giúp đỡ mọi người. Nhà lãnh đạo – vị nhân học cách từ bỏ tính kiêu ngạo và sự thiếu tự tin. Liều thuốc chữa tính kiêu ngạo là sự khiêm nhường. Liều thuốc cho cảm giác tự ti là sự tự tin. Lãnh đạo không phải là phục vụ bản thân, mà là phục vụ tầm nhìn của tổ chức & những người sẽ biến tầm nhìn đó thành hiện thực.
Lãnh Đạo – Chiếm Hữu & Lãnh Đạo – Cống Hiến
Trong cuốn sách có tên Ordering Your Private World (Sắp xếp thế giới riêng của bạn) của Gordon Mc.Donald, tác giả đã chỉ ra sự khác biệt thú vị giữa hai phương thức lãnh đạo – vị nhân và lãnh đạo – vị kỷ. Ông cho rằng có hai loại người kẻ – chiếm hữu và người – vay mượn.
Kẻ – chiếm hữu:
Họ nghĩ rằng họ sở hữu tất cả, từ tài sản, các mối quan hệ cho đến địa vi của mình. Kẻ – chiếm hữu thuộc loại người vị kỷ. Họ dành hầu hết thời gian để bảo vệ những thứ họ sở hữu. Họ làm việc quan liêu và tin rằng nhân viên là “những con cừu” vốn được đặt ở đó để tạo ra lợi nhuận cho kẻ chăn chúng. Họ muốn chắc chắn rằng tất cả tiền bạc, địa vị và quyền lực đều phải tập trung ở cấp quản lý và tách biệt khỏi cấp nhân viên và khách hàng. Họ rất giỏi tạo ra những cái hồ toàn vịt.
Loại người – vay mượn:
Họ nghĩ mọi thứ đều đơn giản là vay – mượn, từ tài sản đến các mối quan hệ, lẫn địa vị đều như vậy. Nhà lãnh đạo – cống hiến cho rằng những gì họ chiếm hữu chỉ là tạm thời. Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, nhiều người lo sợ sẽ mất tài sản với niềm tin rằng: “kẻ nào chết đi với nhiều tài sản nhất sẽ là người chiến thắng”.
Nhưng thực tế là một người chết nắm giữ nhiều tài sản nhất vẫn là người chết. Thật tuyệt vời nếu bạn có những khối tài sản lớn trong lúc thuận lợi, nhưng bạn sẽ có thể phải từ bỏ một vài thứ trong lúc khó khăn. Bởi vì suy cho cùng thì sự chiếm hữu cũng chỉ là vay mượn.
Nhà lãnh đạo – cống hiến
Là người hiểu rằng địa vị của họ là do vay mượn của tất cả những người liên quan trong tổ chức, đặc biệt là nhân viên của họ. Vì nhà lãnh đạo cống hiến không sở hữu bất cứ thứ gì nên họ quan niệm sống là để chăm sóc, giúp đỡ và hướng dẫn mọi người, và mọi thứ sẽ đến với họ trên bước đường đi tới.
Còn với những nhà lãnh đạo – vị kỷ luôn tự làm mình rẻ rúng theo hai cách
1. Cách mà họ tiếp nhận sự phản hồi
Bạn có bao giờ gặp tình huống khi bạn phản hồi một vấn đề nào đó với sếp và ông ta lập tức “cho bạn một trận” chưa? Nếu điều đó đã từng xảy ra nghĩa là bạn đang phải đối phó với một nhà lãnh đạo theo kiểu vị kỷ. Họ ghét sự phản hồi từ cấp dưới. Khi bạn nêu quan điểm về những vấn đề tiêu cực trong tổ chức, họ sẽ nghĩ rằng bạn chê bai và không muốn họ tiếp tục lãnh đạo tổ chức. Mà đó thực sự là “cơn ác mộng” với họ, vì họ luôn cho rằng con người và địa vị của họ là số một.
2. Nỗi sợ mất vị trí
Không muốn phát triển và đào tạo đội ngũ quản lý xung quanh họ – họ sợ nguy cơ cạnh tranh đối với vị trí lãnh đạo của mình.
Người lãnh đạo – cống hiến thì khác. Họ có trái tim của người công bộc và vì thế luôn muốn nghe phản hồi. Vì cho rằng nhà lãnh đạo là người phục vụ, nên nếu có những đề xuất giúp họ có thể phục vụ tốt hơn, họ nhất định sẽ lắng nghe. Phản ứng đầu tiên của họ khi nghe phản hồi là: “Cảm ơn bạn! Điều này thực sự rất hữu ích. Bạn hãy nói rõ chút nữa được không? Tôi có nên gặp người nào khác hay không?”.
Nhà lãnh đạo – cống hiến luôn sẵn sàng nâng đỡ khác. Vì họ ý thức vai trò của mình là phục vụ, chứ không người phải là được phục vụ, nên họ mong muốn được cống hiến hết mình. Khi xuất hiện một nhà lãnh đạo khác trong tổ chức – với tâm huyết và tài năng nổi trội – họ sẵn sàng hợp tác, thậm chỉ để người đó thay thế mình điều hành, nếu thực sự điều đó khiến tổ chức vững mạnh và phát triển hơn.
Có thể nói nhà lãnh đạo – cống hiến “lớn lên” trong quá trình giúp người khác phát triển.
Sự Tuyệt Vọng Của Cái Tôi
Vậy điều gì ngăn cản người ta trở thành nhà lãnh đạo vị nhân? Đó là cái tôi của mỗi người. Cái tôi đó trổi dậy khi con người đặt bản thân cao hơn mọi thứ. Đó cũng là thời điểm chúng ta bắt đầu xây dựng một hình ảnh méo mó về tầm quan trọng của bản thân và tự xem mình là trung tâm của vũ trụ.
Có hai cách khiến cái tôi của chúng ta hình thành và phát triển
Thứ nhất là tính kiêu căng, ngạo mạn khi bạn quá coi trọng bản thân. Bạn ép buộc người khác và luôn giải quyết công việc dựa trên lợi ích bản thân. Bạn nghĩ về công việc lãnh đạo như một thứ quyền lợi, hơn là nghĩa vụ – bạn vì mình, hơn là vì những người mà bạn chịu trách nhiệm lãnh đạo. Bạn tốn thời gian, trí lực vào việc thăng tiến của bản thân.
Thứ hai là sự thiếu tự tin và sợ rằng ai đó giỏi hơn sẽ vượt qua bạn. Đây là lúc bạn phải mất rất nhiều thời gian để tự vệ, bạn bị dằn vặt bởi những khiếm khuyết của mình và trở nên khắt khe với bản thân.
Cả hai tính cách, kiêu căng hay thiếu tự tin, đều khiến bạn khó mà tin rằng mình được yêu mến và tôn trọng. Bạn luôn nghĩ giá trị của mình là tổng hợp sự thể hiện bản thân cộng với ý kiến đánh giá của người khác.
Do đó, hiệu quả làm việc của bạn thay đổi hàng ngày, mà ý kiến của những người xung quanh cũng không kiên định, vậy suy ra giá trị bản thân bạn luôn thay đổi phụ thuộc vào tâm trạng người khác.
Sự thiếu tự tin xuất phát từ sự thiếu tự trọng, khiến người ta luôn hành xử như thể mình bị đánh giá thấp. Điều này không thể hiện rõ ở người ngạo mạn. Họ tự coi mình là người quan trọng duy nhất nên họ luôn cố gắng che giấu sự thiếu tự tin, trong khi cố gắng kiểm soát mọi thứ và mọi người xung quanh. Chính cách hành xử đó đã biến họ thành những kẻ lố bịch, khó ưa trong mắt những người xung quanh.
Thật thú vị khi quan sát những kẻ kiêu ngạo và những người thiếu tự tin sắm vai nhà lãnh đạo. Việc theo đuổi bất kỳ xu hướng nào trong cái tôi thống khổ kia (kiêu ngạo, hay thiếu tự tin) đều làm xói mòn tính hiệu quả trong công việc của nhà lãnh đạo. Những nhà lãnh đạo – vị kỷ bị tính ngạo mạn, thiếu tự tin chi phối và họ thường bị gọi là những kẻ thích kiểm soát. Ngay cả khi họ không biết mình đang làm gì, họ vẫn có nhu cầu thể hiện quyền lực và sự kiểm soát. Dù ai cũng thấy rõ ràng là họ sai, nhưng họ vẫn khăng khăng là mình đúng. Những nhà lãnh đạo loại này thường không hỗ trợ gì nhiều cho nhân viên. Nếu mọi người đang lạc quan và tự tin,“kẻ kiểm soát” sẽ làm mọi người cụt hứng. Họ luôn đứng về phía lãnh đạo cao cấp bởi họ muốn leo lên vị trí cao hơn và gia nhập nhóm các vị sếp.
Kết cục khác của xu hướng này là hình ảnh những vị sếp không – làm – gì cả. Họ được mô tả là những người “không bao giờ có mặt, luôn tránh mâu thuẫn và không hữu dụng lắm”. Họ thường bỏ mặc nhân viên, ngay cả khi người đó đang dao động và không biết mình đang làm gì.
Những nhà lãnh đạo dạng này dường như không tự tin nên thường không có chính kiến. Họ luôn đánh giá quan điểm của người khác cao hơn quan điểm của mình, đặc biệt là quan điểm của cấp trên. Hệ quả là rất hiếm khi họ ủng hộ hay giúp đỡ nhân viên của mình. Dưới áp lực đó, họ thường chỉ làm theo ý của những người có quyền lực cao nhất.
Nếu trong bạn có dấu ấn nào đó của tính ngạo mạn hay thói tự ti, bạn cũng đừng quá lo lắng. Bên trong mỗi con người chúng ta đều có một phần của cái tôi vị kỷ, khiến chúng ta kẹt cứng trong cảm giác đơn độc và chỉ tập trung vào bản thân mình. Tuy nhiên đã có “thuốc giải” cho cả hai căn bệnh này.
Toa Thuốc Của Cái Tôi
Toa thuốc để chữa căn bệnh kiêu ngạo là sự khiêm tốn. Lãnh đạo chân chính – bản chất tốt đẹp mà nhiều người mong muốn và nỗ lực hết mình theo đuổi – bao hàm sự khiêm nhường chân thành cần thiết, là điều mọi người trông đợi và hưởng ứng nhiều nhất.
Tác giả Jim Collins cũng ủng hộ quan điểm này trong cuốn sách From Good To Great (Từ tốt đến vĩ đại). Ông đã tìm ra hai điểm đặc trưng mô tả tính cách của những nhà lãnh đạo vĩ đại: sự quyết tâm và tính khiêm nhường. Quyết tâm nghĩa là kiên định theo đuổi một đường hướng, một sứ mệnh, hay mục tiêu nào đó; khiêm nhường là khả năng nhận biết về bản thân đúng mực, và lãnh đạo là phục vụ người khác chứ không phải chính bản thân mình.
Theo Collins, khi mọi việc diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp, các nhà lãnh đạo – vị kỷ điển hình sẽ đứng trước gương, vỗ ngực tự khen mình giỏi. Nếu gặp khó khăn, vướng mắc, họ nhìn ra cửa sổ và tìm mọi cách đổ lỗi cho người khác. Nhà lãnh đạo vị nhân sẽ hành động ngược lại: nhìn ra cửa sổ và ghi nhận đóng góp của mọi người khi mọi việc thuận lợi, thành công, và nhìn vào gương và tự vấn về trách nhiệm bản thân khi công việc gặp trắc trở, thất bại – cách hành xử đó đòi hỏi một sự khiêm nhường thực sự.
Vậy thì một trong những chìa khóa để trở thành nhà lãnh đạo – vị nhân là tính khiêm nhường. Tôi có hai định nghĩa về tính khiêm nhường.
Người khiêm nhường không đánh giá thấp bản thân họ chỉ ít nghĩ về mình thôi. Vì vậy, người khiêm nhường có lòng tự trọng rất cao.
Định nghĩa thứ hai đến từ Fred Smith, tác giả cuốn You And Your Network (bạn và mạng lưới của mình):
Người khiêm nhường không phủ nhận quyền lực của mình, nhưng họ hiểu rằng quyền lực đó chỉ lướt qua họ chứ không xuất phát từ họ.
Tôi rất thích khái niệm này. Nhiều người nghĩ rằng sức mạnh và giá trị con người là do địa vị và quyền lực mà địa vị đó mang lại. Ngay từ khi còn là một cậu nhóc, tôi đã học được từ cha rằng điều đó không đúng. Đó là năm lớp bảy, khi tôi được bầu làm lớp trưởng. Tôi vui sướng về khoe với cha mẹ. Cha tôi, một sĩ quan hải quân, nói: “con trai à, cha chúc mừng con. Thật là tuyệt khi được làm lớp trưởng đúng không? Nhưng con nhớ là đừng bao giờ sử dụng địa vị đó để phục vụ cho bản thân con. Một nhà lãnh đạo vĩ đại là người được mọi người ủng hộ, vì họ ngưỡng mộ và yêu mến con người anh ta, chứ không phải vì anh ta có quyền lực”.
Quyền lực của bạn đến từ đâu?
Chắc chắn không từ địa vị của bạn
Bao nhiêu người trong số các bạn mong muốn làm cho thế giới tốt đẹp hơn? Rõ ràng là ai cũng muốn như vậy. Nhưng bao nhiêu người có kế hoạch cụ thể nhằm biến ước mơ đó thành hiện thực? Hẳn chỉ có vài người. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có thể làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn thông qua từng quyết định của mình, mọi lúc mọi nơi, khi bạn tương tác với mọi người trong công việc, ở nhà, hay trong cộng đồng…
Giả sử bạn rời khỏi nhà vào buổi sáng và bị một ai đó vô cớ la mắng. Bạn có thể chọn cách phản ứng: hoặc quát lại họ, hoặc bước tới bắt tay và chúc họ một ngày tốt lành. Giả sử có ai đó lái xe cắt ngang đường bạn đi. Bạn sẽ có một cơ hội nữa để lựa chọn: đuổi theo và cho họ một bài học hay cầu nguyện chúc họ an lành. Chúng ta luôn đứng giữa những lựa chọn. Tính khiêm nhường sẽ “thuần hóa” khuynh hướng – hay chỉ trích của bạn, thúc đẩy bạn đưa tay giúp đỡ và cổ vũ người khác.
Còn phương thuốc cho tính hay lo ngại là gì?
Đó là sự tự tin – tin vào chính mình.
Nhiều nhà lãnh đạo nghĩ rằng sự thành đạt của họ phụ thuộc vào khối tài sản mà họ tích lũy được, vào những thành tích mà họ được thừa nhận, hay vào quyền lực và địa vị họ đang nắm giữ. Thật tuyệt nếu bạn có tất cả những thứ đó, nhưng bạn không được đánh đồng con người bạn với chúng. Nói cách khác, bạn cần nhìn vào mặt sau của những yếu tố đó, tức là thay vì tập trung vào sự thành đạt, bạn hãy chuyển hướng sang ý nghĩa của sự thành đạt đó. Đối lập của việc tích lũy tài sản là gì? Là sự thoải mái về thời gian, năng lực, của cải và cảm xúc. Đối lập của việc được ghi nhận là gì? Là sự cống hiến. Đối lập của quyền lực và địa vị là gì? Là những mối quan hệ tình cảm, yêu thương.
Thời gian và thực tế giúp tôi nhận ra rằng nếu chỉ tập trung vào sự thành đạt, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy niềm vui và ý nghĩa của công việc. Đó cũng là vấn đề của các nhà lãnh đạo – vị kỷ: họ không thể thoát ra khỏi lớp vỏ bọc mà họ tự tạo cho mình. Mặt khác, khi bạn để cao ý nghĩa cuộc sống, trân trọng cảm giác thoải mái và sống với thái độ cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, bạn sẽ ngạc nhiên vì chính những yếu tố đó sẽ đem thành công đến với bạn.
Câu chuyện về mẹ Teresa là một ví dụ. Mẹ chưa bao giờ nghĩ đến việc tích lũy tài sản, cũng không quan tâm đến danh tiếng hay địa vị xã hội. Cả cuộc đời mẹ chỉ tập trung vào ý nghĩa của những công việc mình làm. Cuối cùng, thành công đã đến với mẹ. Những ngôi nhà mở do mẹ Teresa sáng lập đã nhận được sự tài trợ khổng lồ về tài chính, cả thế giới biết đến mẹ và dành những lời trang trọng nhất để nói về mẹ. Mẹ chính là hiện thân của một nhà lãnh đạo – vị nhân.